Bên cạnh kịch bản nhiều tầng nghĩa, Ghost in the Shell gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem nhờ thiết kế cảnh quan đô thị hết sức độc đáo, mang đậm âm hưởng Á Đông, gợi cảm hứng cho nhiều bộ sci-fi của Hollywood sau này.
Nguồn cảm hứng tạo nên kiến trúc đô thị trong Ghost in the Shell
Ra đời từ năm 1995, Ghost in the Shell (tạm dịch: Hồn ma trong vỏ bọc) là một trong những bộ anime khoa học viễn tưởng kinh điển nhất của nền hoạt hình Nhật Bản, được chuyển thể từ manga cùng tên của tác giả Masamune Shirow. Năm 2017, Ghost in the Shell chính thức được Hollywood mua bản quyền chuyển thể thành phim điện ảnh với Scarlett Johansson đóng vai chính.
Ai đã từng xem phim hẳn đều không thể quên khung cảnh thành phố tương lai mang dấu ấn sự giao thoa văn hóa, le lói ánh đèn neon từ các biển hiệu quảng cáo và chìm trong cơn mưa rơi lấm tấm làm mờ nhòe cảnh vật. Những quần thể kiến trúc cũ kĩ xuống cấp sóng đôi cùng những tòa tháp cao tầng hiện đại, cùng hệ thống cơ sở hạ tầng chằng chịt đan xen giữa kênh rạch và đường bộ.
Làm việc cùng đạo diễn Mamoru Oshii, giám đốc hình ảnh (art director) Hiromasa Ogura vạch ra hướng đi trong việc tạo ra kiến trúc đô thị đậm chất giả tưởng của Ghost in the Shell, lấy cảm hứng từ những địa điểm có thật ở Tokyo và Hồng Kông, đặc biệt là địa điểm lịch sử Cửu Long Trại thành (Kowloon Walled City).
Từng là một pháo đài quân sự bị Nhật chiếm đóng, nơi này trở thành khu dân cư với mật độ dân số đông đúc bậc nhất hành tinh trong thời gian diễn ra Thế chiến thứ hai, thu hút tầng lớp dân lao động nghèo, người lưu vong và những kẻ ngoài lề xã hội…
Nhiếp ảnh gia Higami Haruhiku đã chụp ảnh Cửu Long Trại thành để làm tư liệu cho Ghost in the Shell trước khi khu dân cư bị chính quyền phá bỏ vào năm 1993. Sau đó, ông cùng đội ngũ nghệ thuật bắt đầu phác thảo chi tiết những con phố trong Ghost in the Shell dựa trên ảnh chụp khu vực lịch sử một thời của xứ Cảng Thơm.
Để xây dựng thành phố trong tưởng tượng, đoàn làm phim phải hình dung cả những công trình không có ngoài thực tế. Đó là phần việc của nhà thiết kế Takashi Watabe, được xem như kiến trúc sư của bộ phim. Ông có nhiệm vụ tạo ra môi trường đô thị trong Ghost in the Shell.
Sở dĩ đoàn làm phim chọn khu vực này vì muốn mô tả một không gian “đất chật người đông”, một thành phố phân tầng. Càng xuống sâu, khung cảnh càng nhớp nháp và hỗn loạn, vọng lại đủ thứ tiếng ồn từ sinh hoạt của con người. Khu dân cư Cửu Long Trại Thành hoàn toàn phù hợp với mô tả đó.
“Câu chuyện trong Ghost in the Shell bắt đầu từ cảnh quan đô thị đang xuống cấp cho đến những tòa nhà cao tầng kia. Chúng tôi nghĩ vậy dựa trên những gì đã thấy ở Hồng Kông. Chúng tôi thực sự muốn ghi lại cảm giác ấy.” – Hiromasa Ogura nói