Singapore Nên Thơ trong những tác phẩm nhiếp ảnh của Nguan – Với những mảng màu hài hoà và bố cục có chút tinh nghịch, những khung hình về Singapore được chụp bởi Nguan vẽ lên cảnh một thành phố mộng mơ êm đềm ở xứ thần tiên, trái ngược với ấn tượng của hầu hết mọi người về nơi đây – một quốc gia nổi tiếng với nhịp sống năng động và hối hả. Nhiếp ảnh gia khám phá những góc cổ kính của thành phố để chứng tỏ rằng một Singapore sôi nổi hiện đại cũng có thể trở nên gần gũi chân phương, ngọt ngào và nên thơ.
Singapore Nên Thơ trong những tác phẩm nhiếp ảnh của Nguan
Singapore luôn được mọi người nghĩ đến với những từ khoá tích cực và hiện đại (và có phần khô khan) như “sạch sẽ” và “tiết kiệm năng lượng”, nhưng về mặt cảm xúc, chẳng mấy ai nói rằng họ cảm thấy rung động khi nhắc về nơi này. “Hầu như không ai nói rằng Singapore là một nơi xinh đẹp. Tôi muốn Singapore mang đến một cảm giác khác hơn, mỹ cảm hơn, như một bức tranh cổ tích.“ – Nguan cho hay.
Sau khi trở về từ Mỹ vào năm 2007, khi đã tốt nghiệp ngành làm phim, Nguan bắt đầu kết hợp những kĩ thuật quay chụp phóng sự với nhiếp ảnh trời trang để ghi lại những khung cảnh bị quên lãng ở Singapore với một chiếc máy ảnh phim thời thập kỉ 90.
Những tấm ảnh tựa cảnh trong mơ của nhiếp ảnh gia đã được tổng hợp thành 2 quyển sách ”How loneliness go” (tạm dịch: “Cách sự cô đơn xâm chiếm” và “Singapore”, từng được trưng bày tại các triển lãm ảnh quốc tế và còn được giới thiệu trên kênh Instagram của The New Yorker vào ngày Quốc Khánh Singapore năm 2016.
Những vần thơ của nét đẹp tiềm ẩn
Toà tháp nghỉ dưỡng Marina Bay Sands là một biểu tượng mà ai cũng có thể dễ dàng nhận ra của Singapore, nhưng Nguan chọn khắc hoạ mặt khác của khu đô thị: cuộc sống thường nhật của các cư dân.
Theo các thống kê của chính phủ Singapore, hơn 80% dân số sống ở những khu bất động sản công cộng. Rất nhiều khu nằm ở ngoại ô thành phố và thị trấn vệ tinh, nơi mà Nguan thường xuyên tác nghiệp nhất.
Anh đặc biệt hứng thú với những hành lang chung cư, bởi chúng lưu dấu sự phức tạp và trần trụi của lối sống hàng ngày. Với anh, “Mỗi hành lang là cả một con đường”. Trong ảnh của Nguan là những nhân vật và sự vật rất đỗi đời thường: một người đàn ông cởi trần chăm sóc cây cảnh ngoài cửa được trang trí bằng những chiếc đèn lồng; dãy quần áo và khăn đủ màu đang phơi trên hành lang trong ngập tràn ánh dương cuối ngày.
“Rất nhiều người dân mặc định rằng khu hành lang công cộng ở các chung cư thuộc quyền sở hữu của họ, tự hào với những góc trang trí tự tay họ làm, đặt bàn thờ trên cột nhà, treo cây cảnh thành hàng và phơi phóng ở ngoài” – Nguan giải thích.
Theo Nguan, tất cả những hình ảnh trên là những hành động “chống đối ngầm”, vì quy định chung cư thường yêu cầu người dân giữ khu hành lang công cộng thông thoáng nhất có thể. “Đó cũng là nếp sinh hoạt của người Singapore, cứ thế làm những gì có thể bỏ qua, miễn là các cán bộ cũng nhắm mắt cho qua”, Nguan giải thích.
Tái định nghĩa những biểu tượng quốc gia
Dưới con mắt của Nguan, Singapore là một quốc gia non trẻ trong quá trình giao thoa giữa sự hoài cổ nhớ nhung về quá khứ, và những trăn trở về tương lai.
Tốc độ phát triển đáng kinh ngạc của thành phố khiến phần lớn cư dân nơi đây thường xuyên cảm thấy hoài cổ, bởi mọi thứ mà họ biết về quê nhà đều thay mình đổi khác từng ngày, thậm chí hoàn toàn biến mất quá nhanh.
Nỗi niềm này được thể hiện rõ ở Geylang – khu phố đèn đỏ tai tiếng, nơi những cơ sở kinh doanh mại dâm mọc lên giữa các nhà hàng hải sản và đền chùa Phật giáo. Nguan mô tả khu vực này là “bằng chứng cuối cùng của sự bất tuân tại Singapore”.
Dẫu thế, khu vực phát triển chóng mặt này vẫn còn lưu giữ những tàn dư của quá khứ: những shophouse (nhà phố thương mại). Nhiếp ảnh gia kể rằng từ tận thời thơ ấu, anh đã “cực kì say mê” với những bậc thang ẩn mình sau những ngôi nhà này. Những cầu thang xoắn thanh nhã này (vốn được làm để những người làm công thời xưa thu thập xô đựng chất thải sinh hoạt của cư dân từng tầng) thường xuất hiện trong ảnh của Nguan.
Những nét kiến trúc đầy màu sắc ấy, dù vậy, vẫn đối mặt với tương lai bất định. Không phải chiếc cầu thang nào cũng được chính phủ bảo tồn, và nay mai những hàng cầu thang trong ảnh cũng sẽ bị phá bỏ khi tòa nhà trở thành công trình công cộng vào mùa xuân tới.
Một hình ảnh thường thấy khác trong các tác phẩm của Nguan là những chiếc ghế nhựa nhiều màu hay được đặt ở các trung tâm bán hàng rong, lễ hội tôn giáo, đám cưới và đám ma. Bên cạnh đó, anh cũng tìm kiếm cái đẹp ở thiên nhiên và thường xuyên đưa những bụi hoa giấy vào ống kính với sắc hồng nay được gọi là “màu hồng Singapore”.
“Singapore là một thành phố mọc lên từ những cánh rừng nhiệt đới, và tôi muốn chứng tỏ rằng thiên nhiên và cả bản chất của chúng ta đều không thể bị che giấu. Tôi nghĩ chúng ta là như vậy – ta là những mảnh ghép đầy suy tư và không hề ngơi nghỉ.” – Nguan nói.